Cơ sở nào kỳ vọng VN-Index lên 1.400 điểm cuối năm?

Theo J.P.Morgan, những yếu tố hỗ trợ thị trường gồm tăng trưởng của nền kinh tế, kết quả kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp, định giá hợp lý của thị trường và khả năng dòng vốn ngoại trở lại.

Dự báo VN-Index lên 1.400 điểm cuối năm
Mới đây, bộ phận phân tích của J.P.Morgan đưa ra báo cáo mới đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam. Tại kịch bản cơ sở, J.P.Morgan nâng mục tiêu VN-Index đạt 1.400 điểm vào cuối năm và MSCI đạt 1.100 điểm. Bối cảnh thị trường tốt hơn (bull market), tổ chức này dự báo VN-Index lên mốc 1.500 điểm vào cuối năm nay.

Cơ sở nào kỳ vọng VN-Index lên 1.400 điểm cuối năm? - Ảnh 1.
Dự báo VN-Index lên 1.400 điểm cuối năm 2021. Nguồn: J.P.Morgan.

Cơ sở đưa ra nhận định này dựa trên đánh giá về hoạt động kinh doanh đang diễn ra mạnh mẽ, chính sách liên tục thay đổi để hỗ trợ, giảm nguy cơ gián đoạn do đại dịch COVID-19. Một yếu tố khác là khả năng dịch chuyển quốc tế trong nửa cuối năm nay.

Về yếu tố thị trường, J.P.Morgan đánh giá tại mốc 1.400 điểm, P/E của VN-Index là 17,5 lần vào cuối năm nay, cao hơn mức trung bình 10 năm nhưng gần bằng mức trung bình 5 năm. Theo quan điểm của tổ chức này, đây là mức hợp lý bởi khả năng tăng trưởng mạnh về lợi nhuận năm 2022 – 2023, khả năng nâng hạng lên thị rường mở mới và khối ngoại đảo chiều mua ròng.

Mặc dù vậy, nhóm phân tích của J.P.Morgan cho rằng vai trò của của khối ngoại yếu đi trong khi định giá thị trường đang thấp so với trung bình lịch sử và các công ty cùng ngành trong khu vực.

Nói thêm, các nhóm cổ phiếu được J.P.Morgan chú ý là ngân hàng, công nghệ thông tin, tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ du lịch mở cửa trở lại.

Phân tích sâu hơn về những luận điểm trên, J.P.Morgan đưa ra đánh giá chi tiết từ vĩ mô đến bức tranh doanh nghiệp và thị trường.

Bức tranh vĩ mô sáng sủa
Dữ liệu vĩ mô đang cho thấy nền kinh tế Việt Nam có thể tăng tốc hơn. Tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, thấp hơn so với mức dự báo 5,7%. Tuy nhiên, J.P.Morgan cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục tăng nhờ vào một số yếu tố.

Đơn cử, PMI cao nhất ASEAN (53,6 điểm), xuất nhập khẩu tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đầu tư công quý I tăng 13% so cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng 2,9% trong khi quý I/2020 chỉ là 0,7%. Giải ngân vốn FDI quỹ đầu năm tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Dữ liệu trên cho thấy rằng hoạt động kinh doanh có khả năng phục hồi bất chấp làn sóng thứ ba của dịch COVID-19. Theo nhóm phân tích, dư địa cho chi tiêu tài khóa vẫn còn lớn. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6,5%. Song song với đó, Ngân hàng nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ bằng việc cho phép ngân hàng phân loại lại và trích lập dự phòng đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một mối quan tâm lớn khác đó là tình hình kiểm soát đại dịch COVID-19, làn sóng thứ ba đã giảm dần và việc đẩy mạnh tiêm vắc xin kỳ vọng Việt Nam mở cửa trở lại trong nửa cuối năm 2021. Những ngày đầu tháng 4, Việt Nam không xuất hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng. Những giải pháp hỗ trợ việc tiêm vắc xin được đẩy mạnh khi Bộ Y tế đang đàm phán với nhiều nhà cung cấp khác.

Về giao thương, Chính phủ đã đưa ra kế hoạch ba giai đoạn để nối lại các chuyến du lịch quốc tế, nhắm mục tiêu mở cửa trở lại vào tháng 9 cho những hành khách có "hộ chiếu vắc xin".

Lợi nhuận doanh nghiệp khởi sắc, bất chấp COVID-19
Điểm đáng lưu ý khác là tình hình kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp. Bất chấp những ảnh hưởng do đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện trong quý I/2021. Kết quả này đến từ những chính sách kiểm soát dịch tập trung, nhu cầu tiêu dùng dịp tết tăng cao. Theo J.P.Morgan, các tín hiệu từ quý I/2021 cho thấy xu hướng tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn.

Tại nhóm ngân hàng, ban lãnh đạo dự báo lợi nhuận tăng vọt (30 – 100%), cao hơn so với kỳ vọng (CTG, VCB, ACB). Lĩnh vực tiêu dùng, Thế giới Di động và PNJ tăng trưởng hai con số, vượt qua dịch COVID-19. Trong lĩnh vực công nghệ, sự tăng trưởng tích cực của FPT cho thấy chi tiêu mạnh mẽ cho công nghệ thông tin cả thị trường trong nước và quốc tế.


Mức tiêu thụ thép kỷ lục của Hòa Phát phản ánh chu kỳ kinh doanh khởi sắc ngành vật liệu và công nghiệp. Cuối cùng, việc tăng giá căn hộ và lượng bán trước tại TP HCM trong quý I/2021 là tích cực đối với doanh nghiệp bất động sản.

Nhóm cổ phiếu trên là khẩu vị ưa thích của J.P.Morgan, giúp tổ chức này đạt kết quả đầu tư vượt trội so với thị trường chung. Tổ chức này cho rằng đà tăng trưởng về thu nhập thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp tốt hơn và đưa đến mức định giá hấp dẫn hơn so với các công ty cùng ngành trong khu vực.

Vốn ngoại giảm nhưng không ra
Đánh giá về dòng vốn ngoại, J.P.Morgan cho rằng khối ngoại bán ròng nhưng chưa rút vốn khỏi thị trường chưng khoán Việt Nam. Trong một năm qua, khối ngoại bán ròng khoảng 1,2 tỷ USD trên TTCK Việt Nam, khiến tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài xuống mức thấp kỷ lục. Hoạt động bán ròng diễn ra thể hiện động thái chốt lời và cơ cấu danh mục. Dòng vốn này này có thể quay trở lại trong trung hạn.

Qua quan sát, dòng vốn rút khỏi một số bluechip đầu ngành thay vì rút ra trên diện rộng. Chiều ngược lại, các ETF lại đang thu hút dòng vốn ngoại. Điểm đáng lưu ý, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhưng không rút tiền khỏi Việt Nam. Tính đến tháng 12/2020, khối ngoại đang nắm giữ 2,7 tỷ USD tiền mặt và đang chờ cơ hội giải ngân.
Beyond Technical AnalysisFundamental Analysis

免责声明