Trong phiên giao dịch đầu tuần, vàng thế giới giằng co giữa áp lực chốt lời sau khi chạm mốc cao nhất trong vòng 1 năm và nhu cầu trú ẩn an toàn do lo ngại khủng hoảng ngân hàng lây lan.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn nhất kể từ đại khủng hoảng tài chính năm 2008 một lần nữa chứng minh rằng vàng là tài sản trú ẩn an toàn. Kim loại quý này đã chứng kiến mức tăng hàng tuần tốt nhất trong ba năm khi giá di chuyển đến gần 2.000 USD/ ounce trong tuần trước.
Theo các nhà phân tích, sở dĩ vàng có được mức tăng ấn tượng hơn 3% trong phiên giao dịch cuối của tuần trước là do các nhà đầu tư “không muốn về nhà trước cuối tuần mà không có sự bảo vệ nào đó”.
Hệ thống ngân hàng Mỹ hoàn toàn là một mớ hỗn độn và không ai biết nó sẽ trở nên tồi tệ như thế nào. Giám đốc điều hành Laurence Fink của BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, thừa nhận rằng ngay cả ông cũng không biết mọi chuyện sẽ tồi tệ đến mức nào.
Khách hàng đang rút tiền của họ ra khỏi các ngân hàng khu vực với tốc độ đáng kinh ngạc, tạo ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Để huy động vốn cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các ngân hàng khu vực này phải bán trái phiếu; tuy nhiên, do lãi suất tăng mạnh trong 12 tháng qua, các ngân hàng này đang bán lỗ trái phiếu của họ.
Ngân hàng Thung lũng Silicon, quân cờ domino đầu tiên sụp đổ, đã mất 2 tỷ USD khi bán 21 tỷ USD tài sản.
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng đã vay khoản tiền kỷ lục 164,8 tỷ USD từ Fed trong tuần kết thúc vào ngày 15-3, tăng từ con số 4,58 tỷ USD trong tuần trước đó. Để so sánh, kỷ lục trước đó là 111 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2008. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy sự yếu kém của hệ thống tài chính.